Cody Trần – Chia sẽ kiến thức phân tích

Tháng Tám 15, 2009

Nâng cao giá trị bản thân ( Phần 3 )

Filed under: Nâng cao giá trị bản thân — Cody Trần @ 3:19 Sáng

Vượt trội

Nhân tố thứ mười cần có để đi đến thành công là Sự Vượt Trội. Bạn phải suy nghĩ thật xuất sắc nếu muốn thành công! Hãy quyết tâm hoàn thành thật xuất sắc công việc của mình bởi vì qua đó bạn sẽ thấy con người đích thực của mình.

Có một ranh giới rất rõ ràng giữa những người đạt thành công cao và số còn lại. Trong môn đánh gôn, chỉ một, hai điểm chênh lệch cũng đủ để phân cách người chiến thắng với những người khác. Trong môn bóng chày chuyên nghiệp, đội bóng vô địch chỉ ghi nhiều hơn đội đứng thứ hai khoảng 10 đến 12 lần trong cả mùa bóng. Trong các cuộc chạy cự ly 100 mét ở giải Olympic, vận động viên đạt huy chương vàng và vận động viên đứng thứ tư thường chỉ về đích cách nhau chưa đầy 2/10 giây. Thế đấy, khoảng cách tới chiến thắng thật mong manh, có thể chỉ là một cái đập mạnh, một tích tắc đồng hồ hay một cú sút nhẹ nhàng. Sự khác biệt nhỏ nhoi ấy tạo ra mọi sự khác biệt trên thế giới, không kể bạn chơi trò chơi gì.

XUẤT SẮC LÀ LÒNG YÊU LAO ĐỘNG

Không có ai tình cờ trở nên xuất sắc. Tất cả đều phải đánh đổi bằng quyết tâm học hỏi các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tiến lên. Họ là những người cống hiến hết mình, yêu thích việc mình làm. Đối với công việc, họ không thực sự “làm việc” theo cách phần lớn mọi người làm. Có thể định nghĩa công việc là những việc phải làm trong khi bạn thích làm việc khác hơn. Gọi là gì cũng được nhưng xuất sắc nghĩa là yêu lao động, là quyết tâm làm việc với toàn bộ khả năng của mình.

Những người thành công có lợi về mọi mặt. Họ nhận được phần thưởng cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Họ có mức sống cao hơn và độc lập hơn. Họ có vẻ hạnh phúc, hài lòng và lạc quan khi làm bất cứ việc gì. Họ dường như không hay ốm đau, bị khủng hoảng hay thất nghiệp. Mỗi khi làm việc tốt, lòng tin và lòng tự trọng của họ lại tăng thêm rất nhiều. Họ dễ dàng tiếp thêm nghị lực và tiến tới những thử thách mới. Họ sẵn sàng nghe lời khuyên và cả sự phê bình của người khác, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hợp tác làm việc rất xuất sắc. Những người đó không nổi bật trên một lĩnh vực cụ thể nào cũng như họ chỉ khá hơn một chút trên một vài lĩnh vực chủ chốt. Đây là chìa khoá cho sự xuất sắc và khám phá ra cách khai thác tối đa khả năng của mình.

Các công ty cũng như mỗi cá nhân, họ khai thác, phát triển một hay nhiều lĩnh vực sở trường, các lợi thế cạnh tranh để vượt lên trên các đối thủ. Họ dẫn đầu trong các hoạt động nhất định để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị trường cũng có những phản ứng tương ứng.

Trở lại vấn đề ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ. Người Nhật đã thề là vào cuối thập kỷ 70, họ sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp ôtô và điều đó đã trở thành hiện thực. Để đạt được mục tiêu này, họ đã phải thâm nhập thị trường Bắc Mỹ màu mỡ, vượt qua tiếng tăm về sự khác biệt chất lượng, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng không đắt tiền, đối đầu với hãng sản xuất “Big Three” vững mạnh đã thiết lập được kênh bán hàng và dịch vụ đầu ra rất tốt. Chiến lược của Nhật bản là bán ôtô với chất lượng vượt bậc về kiểu dáng và hiệu suất máy với giá cạnh tranh. Bằng cách này, người sử dụng bị cám dỗ về giá trị và chất lượng hơn là dịch vụ và bảo hành. Thành công của người Nhật đã chứng tỏ là dịch vụ thực sự không phải là sửa nhanh và sửa tốt các hỏng hóc mà là chất lượng sản phẩm cao từ ban đầu.

Công ty khách sạn Bốn mùa là một điển hình cho một tổ chức đã có cách làm khác với xu hướng chung ở Bắc mỹ hồi bấy giờ, một công ty mà chất lượng dịch vụ là điều đáng nói của một thời.

Để thành công trên thị trường quốc tế, công ty hình thành và theo đuổi mục tiêu nhất quán của mình: Luôn luôn là khách sạn tốt nhất trên mọi thị trường mình có mặt.

Isadore Sharp, chủ tịch CEO, rất tự hào kể câu chuyện về một người khách đã để quên một chiếc cặp ở khách sạn của công ty tại Toronto. Ông ta đã gọi điện từ Washington về trình bày là tài liệu trong cặp rất quan trọng và ông ta cần nó cho cuộc họp sắp tới. Khi ban quản lý khách sạn đi tìm nhân viên giữ cửa để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra thì họ phát hiện ra là anh ta đang trên đường đi Washington, tự mình mang chiếc cặp đó đến cho người khách bằng thời gian và tiền của riêng mình. Nhân viên gác cửa này thấy mình phải chịu trách nhiệm cá nhân vì anh ta đã quên không đặt chiếc cặp vào cốp xe cùng với các hành lý khác của người khách.

Tuần báo Doanh nghiệp (Business) đã lên án công ty Bốn mùa là quá chú trọng đến phục vụ khách hàng. Ông chủ tịch công ty trong một bài phát biểu tại Los Angeles ngày 3 tháng 6 năm 1987, giải thích rằng: “Chúng ta có thể mất 5 năm để xây dựng một khách sạn thật đẹp, chi phí vào đó hàng triệu đôla. Ngay năm sau đó, đối thủ cạnh tranh lại xây một khách sạn khác ngay trên phố và đầu tư vào đó nhiều tiền hơn, có thể khách sạn còn hiện đại hơn một chút. Nhưng, may thay tiền không làm dịch vụ tốt lên được, chúng tôi kinh doanh bằng dịch vụ. Dịch vụ là yếu tố cốt lõi để vươn lên hàng đầu, chúng tôi tin là nếu trước hết bạn làm việc xuất sắc, lợi nhuận chắc chắn sẽ theo sau”.

Công ty Bốn Mùa tuyển chọn những nhân viên có tinh thần trách nhiệm cá nhân cao, những người tin là cá nhân họ có trách nhiệm xem xem nhu cầu của khách đã được hoàn toàn thoả mãn hay chưa. Kết quả là nó trở thành một cơ quan luôn chú ý làm hài lòng khách, không phải bằng áp lực từ trên cao xuống mà là áp lực chính từ bản thân các nhân viên, từ lòng tự hào của họ. Nhân viên thực sự muốn làm việc xuất sắc trong việc phục vụ khách và không ai muốn làm cho các đồng nghiệp của mình kém đi. Tất cả đều muốn được hãnh diện vì tổ chức của mình.

Điều này sẽ khiến bạn đặt ra một số câu hỏi cho bản thân mình: Mình đã phát huy sở trưòng nào? Đâu là ưu thế của mình so với các đồng trang lứa? Mình cần làm gì để khai thác được sở trường?

Không dễ gì giải đáp được những câu hỏi này. Chúng ta đều muốn nổi trội hơn người khác trên một lĩnh vực nào đó. Tất cả đều muốn mỗi sáng ngắm mình trong gương và có thể hãnh diện nói rằng “Mình xuất sắc”. Đây chính là chìa khoá cho sự yêu quý bản thân và lòng tự trọng cao. Lòng tự trọng thực sự là ở chỗ biết mình có khả năng trong công việc. Những người nghĩ rằng họ không làm được việc gì ra hồn cả sẽ luôn thấy mình kém cỏi và bất an giữa những người suy nghĩ nhiều về bản thân hơn. Nếu bạn tin là mình không giỏi trên lĩnh vực nào đó, bạn sẽ không thể thích, tôn trọng hay coi bản thân mình là có giá trị. Bạn sẽ luôn chấp nhận các giới hạn, đặt những mục tiêu thấp và cố gắng đạt được mà ít phải xấu hổ nhất.

“Chất lượng cuộc sống con người tỷ lệ thuận với lòng quyết tâm trở nên xuất sắc, dù cho đó là lĩnh vực nào”. – Đó chính là niềm tin của Vince Lombardi.

Bạn có trách nhiệm khám phá và phát triển tài năng, sở trường của mình. Không có ai ra đời đã có đầy đủ các phẩm chất và tính cách đã phát triển hoàn hảo để thành công. Nếu để mặc cho hoàn cảnh, bạn có thể bạn sẽ phát hiện ra một vài phẩm chất, có thể sớm hay muộn, cũng có thể là không bao giờ. Nhưng nếu bạn chủ động hành động thì điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Bạn đừng bao giờ bỏ mặc việc phát triển tài năng của mình cho hoàn cảnh đưa đẩy.

Bằng nỗ lực lớn, bạn có thể phát triển tất cả các thuộc tính và kỹ năng chúng ta đã thảo luận trong ba chương trước đây để đạt hiệu quả cao hơn trên mọi mặt của đời sống. Không nên chấp nhận quan điểm là sẽ có “một ngày nào đó” các kỹ năng sẽ trở nên tốt hay bạn sẽ nghĩ đến việc phát triển chúng khi “có thời gian”, có công việc “thích hợp” hay cơ hội “thuận lợi”. Bạn phải sống cho hôm nay, cho hiện tại quý giá này, bởi vì đó là nơi duy nhất bạn có thể tìm thấy hạnh phúc. Hãy quyết định rèn luyện các kỹ năng này, coi đó là một phần trong cuộc sống, là một phần cá tính của bạn để chúng hỗ trợ bạn hành động.

Gửi bình luận »

Không có bình luận

RSS feed for comments on this post. TrackBack URI

Bình luận về bài viết này