Cody Trần – Chia sẽ kiến thức phân tích

Tháng Tám 15, 2009

Nâng cao giá trị Bản Thân ( Phần 1)

Filed under: Nâng cao giá trị bản thân — Cody Trần @ 3:25 Sáng

family3-210

Cuộc sống sẽ không có ý nghĩa gì nếu ta sống mà không bộc lộ được khả năng của chình mình” – Erich Fromm (1900 – 1980) Nhà tâm lý xã hội học người Mỹ gốc Đức.

Sáng tạo

Sáng tạo là nhân tố căn bản thứ tám để thành công (FOS). Nếu muốn suy nghĩ như một người thành công, bạn phải sáng tạo! Nhà lịch sử học người Mỹ – James Harvey Robison (1863-1936) nhận xét, “Con người chính là hiện diện của sự sáng tạo đa dạng về hình thái và thể loại”. Hãy nhìn quanh ta. Tất cả mọi đồ vật ta thấy đều là kết tinh sáng tạo của loài người. Thật ra, những gì bạn nhìn thấy không phải là “đồ vật” mà là những ý tưởng được biểu thị ở dạng vật chất. Đó chính là những ý tưởng đã tạo ra cái ghế ta ngồi, cây bút ta viết, cái đèn cho ta đọc sách.

Đi qua bất kỳ thành phố lớn nào, bạn cũng sẽ kinh ngạc trước những công trình sáng tạo của con người từ những ngôi nhà chọc trời đến các sân vận động, đường cao tốc, cầu cống đến công viên. Tất cả đều được bắt đầu chỉ từ một ý tưởng nho nhỏ. Chính những con người với những ý nghĩ, mơ ước, và hình ảnh đã tạo ra những gì ta có. Suy nghĩ thống trị toàn bộ thế giới.

BẠN LÀ CON NGƯỜI NHƯ BẠN NGHĨ. BẠN ĐƯỢC HƯỞNG NHỮNG GÌ Ý NGHĨ NHÂN LOẠI SÁNG TẠO RA

Sáng tạo là khả năng sẵn có của con người từ lúc mới ra đời. Albert Einstein (1879-1955), nhà vật lý vĩ đại với học thuyết tương đối cho rằng mọi đứa trẻ sinh ra đều là thiên tài. Khi kiểm tra trẻ em ở lứa tuổi từ 2 đến 4, có tới 95% là có đầu óc sáng tạo. Khi được kiểm tra lại ở lúc 7 tuổi, chỉ có khoảng 5% trong số đó là còn có óc sáng tạo cao. Điều gì đã xảy ra? Trong cuốn “Tự đổi mới”, ông John W. Gardner cho rằng việc tuân thủ các áp lực xã hội chính là nguyên nhân làm mất đi khả năng sáng tạo.

Chúng ta thấy những đứa trẻ có xu hướng tìm kiếm tình yêu thương, sự vuốt ve và tránh né phê bình là những đứa trẻ được nuôi dạy trong môi trường sợ thất bại và từ chối. Chúng buộc phải hết sức tinh tế nhưng không tế nhị quá, có nghĩa là tuân theo những chuẩn mực, những mong muốn mà người lớn kỳ vọng ở chúng, phải cư xử một cách không sáng tạo. Người ta bảo chúng phải làm gì, khi nào và làm như thế nào. Thường thường thì người ta không khuyến khích chúng đặt câu hỏi để tìm tòi con đường mới hay để thoả mãn bản năng tò mò tự nhiên của chúng. Chúng được thưởng nếu tuân theo những tiêu chuẩn hay thông lệ, một kiểu thoả hiệp không nhân tính. Dần dần trong quá trình này, chúng đã mất tình thiên bẩm và khả năng suy nghĩ độc lập.

Về sau này, khi đã trưởng thành, nhiều người biểu lộ lối áp đặt suy nghĩ đã ấn định từ hồi nhỏ bằng những ý nghĩ, thái độ khô khan cứng nhắc. Những người bị cạn khả năng sáng tạo thì thường có xu hướng bất an, không năng động và không có óc tưởng tượng. Họ nhìn mọi thứ một cách cực đoan, hoặc sai hoặc đúng, hoặc trắng hoặc đen, thích hợp hay không thích hợp. Họ không có khả năng suy nghĩ theo bản chất hoặc tái tạo vần đề một cách sáng tạo mà chỉ suy nghĩ theo thói quen bám dính vào thực trạng.

May thay tính sáng tạo không mất đi. Nó chỉ tạm thời ẩn mình trong trạng thái ngủ do không được khai thác và hoàn toàn có thể khôi phục lại khi cần đến. Bạn chỉ cần chấp nhận sự thật là bạn vẫn sở hữu những phẩm chất bạn có lúc sinh ra – sự khôn ngoan hiểu biết, trí thông minh, óc sáng tạo vốn có, tạo thành tài năng đặc biệt của bạn. Thiên tài thể hiện ở chính khả năng biến những điều bình thường thành mới lạ, biến phức tạp thành giản đơn, những điều dường như không liên quan trở thành liên quan. Kết nối những hình thái đã biết thành hình thái chưa biết lúc trước – đó chính là thành công vĩ đại của thiên tài.

Khả năng phát triển và sử dụng có chủ định tính sáng tạo vốn có của bản thân chính là chìa khoá dẫn đến thành công. Nhưng thật ra điều này lại bị xem nhẹ và không được hiểu biết cho lắm. Để phát huy khả năng đó đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, liên tục và nỗ lực trong mọi thử thách bạn đối mặt cũng như tin tưởng vào kết quả thành công. Mỗi lần bạn có những giải pháp hay hiểu biết sáng tạo với một thách thức nào đó thì tự nhiên bạn sẽ có được cảm giác tích cực cùng với thành quả đạt được. Sử dụng óc sáng tạo chính là cách tạo lập khả năng kiểm soát bản thân một cách có tổ chức và hệ thống, nâng cao tự trọng bản thân cũng như hướng bạn tới cái đích mong muốn.

Nếu định nghĩa một cách chuẩn xác Sáng tạo chính là việc tạo ra hoặc sắp xếp lại cái cũ theo kiểu mới. Nó đặc trưng cho quá trình hiện thực hoá tiềm năng của con người, của khả năng sáng tạo của tiềm thức. Tiềm thức của chúng ta ví như một nhà kho vô cùng rộng lớn. Nó chứa đựng sự khôn ngoan trong quá khứ, sự hiểu biết về hiện tại, cũng như những hình ảnh của tương lai. Bằng cách khai thác nguồn dự trữ dồi dào này, ta có thể tạo ra những ý tưởng mới về bất kỳ điều gì ta muốn nghĩ tới.

KHI MỌI NGƯỜI ĐỀU NGHĨ GIỐNG NHAU CÓ NGHĨA LÀ CHẲNG AI SUY NGHĨ CẢ

Nếu muốn khai thác hết khả năng bản thân và tìm ra cơ hội đạt thành tích cao thì bạn buộc phải thách thức tiềm năng sáng tạo của mình. Nếu không, bạn cũng sẽ phí phạm đời mình như những người khác, với kết cục sẽ là một bản sao chứ không phải là bản gốc. Khi mọi người cùng nghĩ như nhau thì có nghĩa là chả ai suy nghĩ cả. Và như thế thì sẽ chẳng hoàn thành được điều gì có ích cả.

Các nhà nghiên cứu hành vi ứng xử của những người sáng tạo đã tìm ra được mối liên quan mật thiết giữa tính sáng tạo với cách suy nghĩ tích cực. Những người tích cực là người có thói quen xem xét một loạt các khả năng, các cách khác nhau để đạt đến một mục đích cụ thể. Thái độ tích cực vốn đã bao hàm sự tin tưởng ở các khả năng. Người tích cực có thể tìm thấy giá trị trong mỗi ý nghĩ và lý do tại sao ý nghĩa đó lại hữu ích. Ngược lại, người tiêu cực chỉ chú trọng đến lý do tại sao lại không hữu ích. Sáng tạo giúp bạn không bị bó hẹp trong một giới hạn nhất định mà có thể khám phá ra các khả năng mới. Abrâhm Maslow đã từng nói: “Nếu dừng lại, hài lòng với một phần khả năng của mình thì suốt phần đời còn lại bạn sẽ không được hạnh phúc”.

Có hai quá trình tư duy khác nhau rõ rệt liên quan đến vấn đề sáng tạo. Sự khác biệt nằm trong cách bộ não xử lý thông tin liên quan.

Quá trình tư duy thứ nhất được gọi là suy nghĩ phân tích bao gồm việc mở ra toàn bộ mọi khía cạnh của vấn đề, có nghĩa là đề cập vấn đề theo nhiều cách khác nhau, đánh giá theo một vài quan điểm, từ sự thật khách quan đánh giá rút ra câu hỏi, hợp nhất tất cả mọi thông tin và liệt kê mọi biện pháp giải quyết. Suy nghĩ phân tích nhằm mục đích cân nhắc vấn đề ở mọi khía cạnh hoàn cảnh để có thể hiểu rõ hơn về bản chất sâu xa và liệt kê mọi giải pháp có thể. Ta có thể so nó như việc thổi phồng một quả bóng để biết được hình dạng, kích cỡ đích thực của quả bóng.

Cách tư duy thứ hai được gọi là hội tụ, nó được tiến hành hoàn toàn trái ngược với cách suy nghĩ ở trên. Theo cách này, vấn đề sẽ được chia thành từng phần nhỏ dễ kiểm soát hơn. Cách lập luận này không chú trọng đến các nhân tố quan trọng và chọn các biện pháp thực hiện khác. Lập luận hội tụ thực ra là sự thu nhỏ, nó biến vấn đề thành kế hoạch hành động và biện pháp cụ thể để đánh giá kết quả.

Kỹ năng chính yếu trong việc giải quyết các vấn đề là phải biết được khi nào cần lập luận phân tích, khi nào hội tụ bởi vì hầu hết mọi người đều có thói quen suy nghĩ theo một kiểu nhất định nào đó.

Những người có lối tư duy phân tích thường rất giỏi trong việc tìm ra một loạt các ý tưởng mới và xem xét biện pháp giải quyết nhưng họ lại không có khả năng đi đến quyết định. Những người này thường được gán cho cái mác là không dứt khoát, chính bởi vì họ không bao giờ hành động cả mà thay vào đó họ thích tiếp tục nghiên cứu vấn đề một lần nữa.

Mặt khác, người có lập luận hợp lý nhất lại có chiều hướng hành động khi chưa chín muồi, không xem xét toàn bộ vấn đề một cách hoàn chỉnh. Những người này thường có quyết định đột xuất dựa trên lượng thông tin không đầy đủ và không mấy quan tâm đến các biện pháp có thể. Những người này được gán mác hấp tấp do họ không bao giờ hiểu rõ tại sao họ lại làm một việc gì đó họ quá vội vàng hành động.

Sáng tạo là một bài thực hành suy nghĩ. Nó là một kỹ năng lý tính nhằm nảy sinh những ý tưởng mới có thể có ích hơn những ý cũ. Một ý tưởng mới thật ra thường là sự kết hợp các ý tưởng cũ sắp xếp lại theo kiểu khác đi. Bạn có thể dễ dàng có những ý tưởng mới nhờ cách chấp nhận lối “tự do kết hợp”, việc liên kết hai hay nhiều ý tưởng sẽ tạo ra một ý tưởng mới. Sony đã chế tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới là máy Walkman. Sản phẩm này kết hợp từ hai ý tưởng nhằm thoả mãn nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng là có thể vừa nghe đài vừa đi lại hay chạy bộ – đa dạng hoá các hoạt động giải trí.

Còn đây là một dẫn chứng khác đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành giao thông vận tải. Cuối thế kỷ trước một kỹ sư người Đức – Wilhelm Maybach quan sát máy phun hương và hết sức tò mò tại sao dung dịch lại hoà quyện với không khí. Ông thử nghiệm với dầu hoả và cuối cùng đã tạo được bộ chế hoà khí. Gottlieb Daimler đã dùng dụng cụ này tạo ra một phương pháp vận tải hoàn toàn mới – động cơ.

Của cải đáng giá thực sự trên thế giới chính là những ý tưởng mới và những người sẵn sàng tìm hiểu phát kiến từ đó. Của cải vật chất không phải là những vật dụng sang trọng như nhà cửa, xe cộ hay những tài sản cá nhân. Những thứ đó chỉ đơn giản là biểu tượng của vật chất. Nhân tố sâu xa ẩn chứa sau những điều kỳ diệu đó chính là những ý tưởng hữu ích mới mẻ với ứng dụng thực tế chưa được phát hiện. Những cá nhân, cơ quan hay quốc gia nào có thể phát huy được càng nhiều ý tưởng hữu ích thì sẽ càng phát triển thịnh vượng.

Victor Hugo đã từng nói, “Có thể chống lại sự xâm lược của kẻ thù nhưng không thể chống lại những ý tưởng đã dẫn đến độ chín muồi”.

Dưới đây là một số phát huy ý tưởng mới được cho là hữu hiệu:

1.Phương pháp ấp ủ: Kỹ năng này được thực hiện bằng cách nhận định rõ câu hỏi hay vần đề muốn trả lời, viết ra giấy rồi thì gối đầu đi ngủ. Lúc này phần trách nhiệm thuộc về tiềm thức, và ta có thể quên vấn đề này nhưng lại chờ câu trả lời xuất hiện lúc nửa đêm hay rạng sáng. Đặt sẵn giấy bút trên bàn ngủ để khi câu trả lời đột ngột loé sáng thì bạn có thể tỉnh dậy và viết ra. Nếu không ta sẽ lại lăn ra ngủ tiếp và không bao giờ nhớ được. Rất nhiều nhà văn thành đạt khẳng định họ sử dụng phương pháp này nhiều nhất để tìm ra những ý tưởng sáng tạo cũng như để thấu hiểu vấn đề.

2. Phương pháp vận dụng trí tuệ tập thể: Phương pháp này được phát hiện do công của Alex Osborn, tác giả cuốn “Ứng dụng tưởng tượng”. Được thực hiện theo kiểu một nhóm từ 4 đến 7 người tổ chức hai cuộc họp kéo dài khoảng 45 phút. Mục đích của cuộc gặp đầu tiên là để thoả thuận xem vấn đề thật sự là gì, rồi càng tìm ra càng nhiều biện pháp giải quyết càng tốt mà không đưa ra bất cứ sự đánh giá hay phán xét nào. Khi nào người điều phối đi đến được ý tưởng liên ứng của nhóm để xác định được vấn đề một cách rõ ràng thì họ sẽ xin ý kiến tập thể để giải quyết.

Phải chú trọng không thiên về ý tưởng đặc biệt nào trong quá trình bàn bạc mà chỉ khuyến khích những suy nghĩ và đề nghị ngẫu hứng. Cuối buổi họp, người điều phối chịu trách nhiệm sắp xếp đánh máy tất cả các ý kiến. Tờ đánh máy này là cơ sở cho cuộc họp thứ hai nhằm mục đích đánh giá giá trị của từng giải pháp, chọn ra một hoặc kết hợp một vài giải pháp lại và thống nhất kế hoạch thực hiện và theo dõi. Các bước tiến hành được giao cho từng người trong một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành.

3. Phương pháp sắp xếp trí tuệ: Phương pháp này khai thác triệt để sự liên kết tự do bằng cách hình thànhmột màn hình ảnh hay liên kết quyết định ý tưởng mới. Lấy vấn đề hay đề tài làm trung tâm ở chính giữa và từ đó chia nhánh tới các ý tưởng hay giải pháp được đề cập. Khi ta nghĩ đến một mối liên hệ nào đó từ một giải pháp thì có thể vẽ thêm nhánh nhỏ. Cuối cùng ta sẽ có vô số các tia chính và rải rác một số nhánh phụ, tất cả đều nhằm giúp bạn giải quyết vấn đề.

Phương pháp sắp xếp này được Tony Buzan của nhóm Phương Pháp Học tập ở Anh phát hiện. Bài tập này được phát kiến để tận dụng tối đa các khả năng suy nghĩ khác nhau của một người và được gọi là tiếp cận “toàn não”. Bao gồm các khả năng thị giác, trực giác của bán cầu não phải và phân tích logic của bán cầu trái như được miêu tả trong cuốn sách bán chạy nhất của Betty nhan đề “Tiếp bán cầu não phù hợp”. Đa số mọi người có thói quen suy nghĩ theo kiểu này hoặc kiểu kia khi giải quyết vấn đề mà hiếm khi theo cả hai kiểu. Phương pháp học này kết hợp một cách hiệu quả cả hai khả năng định tính lẫn định lượng của bộ não.

Bản thân con người ta thế nào sẽ quyết định những việc ta làm; Những gì ta nghĩ sẽ quyết định con người ta; Những điều ta học được sẽ quyết định những gì ta nghĩ; Những điều ta học được lại được quyết định bởi những gì ta phải đối mặt và ta giải quyết thế nào.

Vì thế ta nên đối diện với càng nhiều người, càng nhiều tình huống khác nhau càng tốt. Những gì ta đương đầu chính là nguyên nhân chính yếu tạo nên những gì ta sẽ làm trong đời. Chính vì vậy một yếu tố hết sức quan trọng để trở thành người sáng tạo là phải đối diện với những kiến thức phức tạp khác từ bên ngoài. Nên đọc những cuốn sách gợi suy nghĩ, gặp gỡ những con người thú vị, tham dự hội thảo, diễn văn, những cuộc chuyện trò có ý nghĩa và đặt câu hỏi cho thực trạng. Nên thắc mắc, tò mò, học hỏi. Đó là cốt lõi để trở thành người sáng tạo.

Nâng cao giá trị bản thân ( Phần 2)

Filed under: Nâng cao giá trị bản thân — Cody Trần @ 3:22 Sáng

LA61532_ảnh_minh_họa_2Phục vụ

Nhân tố quan trọng thứ chín (FOS) là phục vụ. Bạn phải nghĩ đến nó nếu bạn muốn nghĩ như một người thành đạt! Nguyên tác phục vụ có thể được tóm tắt rõ nhất trong câu: “Cho và bạn sẽ được nhận”. Nó phản ánh luật nhân quả – với mỗi một hành động thì đều có kết quả xứng đáng hay báo ứng.

Khi bạn đã hiểu đến tận chân tơ kẽ tóc của sự thành đạt thì bạn sẽ thấy rằng đó chỉ đơn giản là phục vụ. Bạn càng phục vụ nhiều, bạn càng thành đạt. Theo Henry Ford thì “Thành công chính là làm được nhiều việc cho thế giới hơn việc thế giới làm cho bạn”.

Cống hiến của bạn trong việc phục vụ người khác chính là điều kiện quyết định mức độ thành công của sự nghiệp bạn theo đuổi. Phần thưởng bạn được nhận sẽ luôn tỷ lệ với giá trị bạn phục vụ. Và nếu muốn tăng giá trị phần thưởng đương nhiên bạn sẽ phải tăng giá trị phục vụ. Sẽ có những người ngờ nghệch và cơ hội muốn nỗ lực ít mà nhận nhiều, hay tồi tệ hơn, muốn được mà không mất gì cả. Những người đó đơn giản là nhận thức sai lệch về luật nhân quả trong Kinh thánh “Gieo gì thì gặt nấy”. nếu dễ dàng có được phần thưởng mong muốn mà không mất mồ hôi công sức thì ta sẽ không coi trọng phần thưởng đó và do vậy cũng chẳng muốn có nó làm gì.

PHỤC VỤ LÀ CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ HIỆN HỮU CỦA BẠN TRÊN TRÁI ĐẤT NÀY

Phục vụ là phần ta đóng góp vào thế giới vật chất, vào mối quan hệ qua lại giữa người với người quyết định chất lượng quan hệ cũng như những gì người ta đạt được. Đó là cái giá phải trả cho phần diện tích ta chiếm hữu trên trái đất này. Trong gia đình, đó là sự yêu thương, sẻ chia, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên. Một công ty thì biểu hiện bằng sự quan tâm, chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Phục vụ đó là đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của nhân loại một cách hữu hiệu nhất.

Lấy ví dụ ảnh hưởng của sự phục vụ trong gia đình. Chúng ta đều biết rằng đa số trẻ em là kết quả của sự nuôi dưỡng, của việc cha mẹ đối xử với chúng như thế nào.Những đứa trẻ không được cha mẹ tán đồng, những đứa là nạn nhân của sự phê phán khắc nghiệt và bị phạt tuỳ tiện thường lớn lên với khái niện hình ảnh cũng như tự tin bản thân thấp kém – chúng sống một cuộc sống vô ích và không hứa hẹn gì. Ngược lại những đứa sông trong không khí chan hoà yêu thương chăm sóc thì sẽ lớn lên mạnh khoẻ, tự tin,khái niệm bản thân đúng đắn với mức độ tự trọng và yêu thích bản thân cao. Chúng có khả năng làm được một cái gì đó cho đời và đóng góp cho xã hội.

Xét trên phương diện quan hệ vợ chồng, mỗi một đám cưới đều phản ánh sự đóng góp của hai thành viên. Nếu cả đôi bên cùng hỗ trợ nhau rất ít, nếu người nào cũng đòi hỏi ở người kia đóng góp nhiều hơn bản thân mình thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự chia cách chứ không thể xích lại gần nhau. Nếu muốn cuộc hôn nhân mang lại những gì mong đợi thì nên bắt đầu đóng góp nhiều hơn vào mỗi quan hệ của mình. Tuỳ từng trường hợp, thêm chính những gì bạn muốn nhận được. Giả sử nếu muốn được người bạn đời chăm sóc ta hơn thì trước hết ta phải chăm sóc người đó trước đã, nếu muốn được cảm thông hơn, ta cũng phải biết cảm thông trước. Và nếu bạn gieo hạt ghen ghét, nghi ngờ thì cũng hãy chờ nhận quả ấy. Điều tốt sinh ra điều tốt, xấu gây ra điều xấu.

Diễn giải luật nhân quả một cách đơn giản nhất là: Thêm vào cái gì càng nhiều thì lấy ra càng nhiều. Đó là quy luật tự nhiên chứ không phải quy luật của con người. Sống theo quy luật thì sẽ được thưởng còn trái với quy luật thì bạn sẽ bị trừng phạt. Những người đạt thành công luôn nỗ lực tìm ra cách nào để thêm vào nhiều nhất còn những người thất bại thì lại luôn tìm cách lấy ra nhiều nhất.

Trong kinh doanh hiện đại quy luật này cũng quyết định sự thành công hay thất bại của một công ty.

Việc kinh doanh có thể chỉ do một người đảm nhiệm mọi trọng trách cần thiết thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Người này có thể là người làm vườn, kế toán viên, hay tư vấn và chẳng ai trong số họ cần tuân theo trình tự làm việc nào cả. Chỉ đơn giản là người bán và người mua trực tiếp gặp mặt nhau trên thị trường.

Tuy nhiên, khi cơ hội kinh doanh phát triển yêu cầu chuyên môn hoá mọi nỗ lực thì lúc này sự có mặt của một tập thể là cần thiết. Lý do tồn tại của tập thể hết sức đơn giản. Một tập thể tồn tại bởi vì nó có khả năng đạt được những mục tiêu mà không một cá nhân nào có thể hoàn thành. Mỗi một tổ chức cuối cùng đều tạo lập nên các cơ cấu theo một thứ tự với ban lãnh đạo và công nhân viên hết sức nỗ lực để cùng tồn tại và hợp tác nhằm sản xuẩt ra một sản phẩm thu lợi nhuận.

Kinh doanh cũng phải tuân theo luật nhân quả. Nguyên nhân là nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng và kết quả là bán hàng hoá dịch vụ cao hơn giá thành sản xuất. Do vậy mũi nhọn tập trung đầu tiên là khách hàng và nhu cầu của khách, mũi nhọn thứ hai là sản xuất ra được hàng hoá với giá cạnh tranh đồng thời cũng thu lại lợi nhuận cho công ty. Khách hàng phải luôn luôn là trung tâm chú ý hàng đầu. Nếu duy trì được một lượng khách cơ bản với giá cao hơn giá thành thì tự động sẽ thu được lợi nhuận. Nhưng ta không thể mơ tới có lãi nếu lờ đi rằng giá cả phải phù hợp với khách hàng và không chịu linh động để cạnh tranh.

Như ta thấy trong ngành sản xuất ô tô ở Nam Mỹ, các doanh nghiệp đang phải chịu hậu quả nặng nề do không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng với giá cả cạnh tranh được. Nhật bản đã tiến rất xa trong việc coi khách hàng là cốt lõi của doanh nghiệp. Đó chính là lý do chính ẩn sau mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Ngành công nghiệp Mỹ cũng đã hết sức nỗ lực để bắt kịp các đối thủ khổng lồ là Nhật bản. Họ đã đầu tư rất lớn cho các thiết bị tự động nhằm giảm giá thành, cải tiến kiểu dáng, chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm nhưng kết quả thu được cũng chưa thoả mãn lắm. Năng suất lao động vẫn tụt hậu sau Nhật bản. Và hơn nữa các vị giám đốc người Mỹ vẫn tiếp tục lệ thuộc vào những con số lợi nhuận hàng quý, hàng năm chứ chẳng mấy để tâm đến việc thoả mãn nhu cầu khách hàng hay tăng thị phần.

Trong cuốn “Tìm kiếm sự vượt trội”, Thomas Peters và Robert Waterman đã phát hiện ra rằng các công ty ăn nên làm ra có hai đặc điểm nổi bật là: họ không ngừng cải tiến sản xuất thông qua việc quản lý nhân sự hiệu quả và quan điểm khách hàng đặt lên hàng đầu. Mọi quy định, kế hoạch nội bộ của các công ty này đều chú trọng hàng đầu đến hai lĩnh vực nêu trên. Mục tiêu của họ là không tách biệt các ban tài chính, phòng sản xuất, mua hàng và phòng marketing mà phối hợp tất cả các ban cùng làm việc để sản xuất ra sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu thị trường.

Mỗi một người làm theo chế độ tự tuyển dụng, cho dù làm việc cho người khác hay cho bản thân, vấn đề là mỗi người đều phải đảm bảo cống hiến hết khả năng của mình cho có quan mình làm việc để đảm bảo công ty tồn tại và có lãi.

Trong một cuộc nghiên cứu quy mô người ta đã chỉ ra tám thuộc tính đặc trưng của các công ty làm ăn phát đạt với phương châm tối đa hoá khả năng của từng nhân viên và đặt khách hàng lên hàng đầu.

1. Giao tiếp thân mật trong công ty: Tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân viên. Để có hiệu quả, một công ty phải có biện pháp để hướng khả năng, nỗ lực và sức sáng tạo của từng nhân viên đến những mục tiêu cao cả phù hợp với sự tồn tại và phát triển của công ty. Các công ty phát đạt thường bỏ qua những quy tắc cổ hủ, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, trao đổi không chính thức trong các buổi ăn trưa hay sau giờ làm việc cả bằng đối thoại lẫn văn bản.

2. Cơ chế gọn nhẹ: Để liên kết mỗi nhân viên tham gia trong mỗi một quyết định. Một cơ cấu cồng kềnh không thể điều tiết hết việc trao đổi cần thiết để tối đa hoá khả năng làm việc của nhân viên do khoảng cách từ cấp trên xuống cấp dưới càng ngày càng tăng do số nhân viên trong công ty tăng.

3. Giao quyền hạn phù hợp: Các công ty thành đạt là những công ty biết giao quyền cho các phòng ban thích hợp có khả năng và kinh nghiệm đồng nhất để công việc được tiến hành trôi chảy. Điều này giúp khơi dậy tinh thần trách nhiệm cũng như sáng tạo của từng cá nhân đồng thời giúp lãnh đạo có thể tập trung đến các vấn đề quan trọng khác.

4. Trách nhiệm cao: Điều này yêu cầu mỗi cá nhân phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự đóng góp của họ đối với có quan. Trách nhiệm phải đi đôi với quyền hạn. Nó khuyến khích lòng trung thành và trách nhiệm cao hơn. Trách nhiệm cần có ở cả mọi cơ quan, chính thức cũng như không chính thức, ở đó mỗi người đều phải chịu trách nhiệm cá nhân về chất lượng đầu vào và quyết định của mình.

5. Đánh giá đúng mức đóng góp của nhân viên: Mọi nhân viên đều muốn nỗ lực cá nhân của mình được đánh giá đúng mức, đặc biệt là những đóng góp tích cực cho bản thân họ hay nhóm của họ. Người ta muốn có cảm giác mình là một thành viên của một nhóm thành công. Các công ty thành đạt thường thiết lập củng cố tích cực co toàn bộ hoạt động cũng như công việc thường ngày của mình. Họ chú ý đến nhu cầu của nhân viên và tìm cách thể hiện sự đánh giá cao của mình đối với những việc làm tốt. Họ giúp cho nhân viên của mình cảm thấy mình quan trọng, thấy đóng góp của mình có giá trị, có giá trị đối với cơ quan.

6.Xác định rõ mục tiêu chiến lược: Tại các cơ quan chịu sự ảnh hưởng của thị trường và chú trọng đến những điều hợp lý:

– Không vì lợi nhuận mà làm mất uy tín sản phẩm

– Không vì cổ đông mà để mất khách hàng

– Không vì số lượng mà đánh đổi chất lượng.

7. Sáng tạo và đổi mới: Các công ty lớn thường đặt mục tiêu nâng cao hiệu suất lao động thông qua con người. Họ khuyến khích lòng trung thành, quyết tâm cao và đánh giá đúng từng cá nhân với thành công của công ty. Cán bộ phải là người biết cách chỉ cho nhân viên biết làm thế nào để nâng cao hiệu quả, phải biết khai thác tối đa khả năng của nhân viên và hướng các khả năng đó theo định hướng của công ty. Phát huy ý kiến nhân viên là một việc làm hết sức thiết thực góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhân viên có thể tham gia đóng góp tới 50% sáng kiến cải tiến tăng năng suất và tham gia vào quá trình thiết kế, sản xuất.

Ví dụ năm 1980, hãng ôtô nổi tiếng Toyota của Nhật bản có 48.757 nhân viên đóng góp 859.039 ý kiến, trung bình 17,62 ý kiến mỗi người mỗi năm trong đó 807,497 (94%) ý kiến được coi là có tính khả thi và được thực hiện ngay trong năm đó và đã tiết kiệm được 30 triệu đôla Mỹ.

8. Kết hợp trí tuệ và văn hoá sẽ làm tăng thêm:

– Sự linh hoạt, mềm mỏng trong con người, công việc và trong công việc giải quyết các vướng mắc.

– Tập trung nguồn lực công ty vào những vấn đề then chốt.

– Thoả mãn nhu cầu khách hàng bằng cách coi vấn đề của họ như những cơ hội kinh doanh.

Toàn bộ tám thuộc tính trên đều nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng, người thanh toán hoá đơn. Trong xã hội của thị trường tự do, người tiêu dùng càng có quyền lựa chọn. Người ta chỉ để ý đến một doanh nghiệp trên khía cạnh là một công ty đó quan tâm đến lợi ích tối đa của họ, rằng họ được phục vụ đúng yêu cầu và tương ứng với tầm quan trọng của họ.

Nói tóm lại, chúng ta đều làm việc cho bản thân mình. Mỗi cá nhân đại diện cho một tổ chức dịch vụ cá nhân và phải cạnh tranh trên thị trường để tồn tại và phát triển. Bạn sẽ làm gì để bắt đầu một cách khác, để làm tăng thêm giá trị dịch vụ bạn cung cấp. Hãy suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.

Nâng cao giá trị bản thân ( Phần 3 )

Filed under: Nâng cao giá trị bản thân — Cody Trần @ 3:19 Sáng

Vượt trội

Nhân tố thứ mười cần có để đi đến thành công là Sự Vượt Trội. Bạn phải suy nghĩ thật xuất sắc nếu muốn thành công! Hãy quyết tâm hoàn thành thật xuất sắc công việc của mình bởi vì qua đó bạn sẽ thấy con người đích thực của mình.

Có một ranh giới rất rõ ràng giữa những người đạt thành công cao và số còn lại. Trong môn đánh gôn, chỉ một, hai điểm chênh lệch cũng đủ để phân cách người chiến thắng với những người khác. Trong môn bóng chày chuyên nghiệp, đội bóng vô địch chỉ ghi nhiều hơn đội đứng thứ hai khoảng 10 đến 12 lần trong cả mùa bóng. Trong các cuộc chạy cự ly 100 mét ở giải Olympic, vận động viên đạt huy chương vàng và vận động viên đứng thứ tư thường chỉ về đích cách nhau chưa đầy 2/10 giây. Thế đấy, khoảng cách tới chiến thắng thật mong manh, có thể chỉ là một cái đập mạnh, một tích tắc đồng hồ hay một cú sút nhẹ nhàng. Sự khác biệt nhỏ nhoi ấy tạo ra mọi sự khác biệt trên thế giới, không kể bạn chơi trò chơi gì.

XUẤT SẮC LÀ LÒNG YÊU LAO ĐỘNG

Không có ai tình cờ trở nên xuất sắc. Tất cả đều phải đánh đổi bằng quyết tâm học hỏi các kỹ năng và kiến thức cần thiết để tiến lên. Họ là những người cống hiến hết mình, yêu thích việc mình làm. Đối với công việc, họ không thực sự “làm việc” theo cách phần lớn mọi người làm. Có thể định nghĩa công việc là những việc phải làm trong khi bạn thích làm việc khác hơn. Gọi là gì cũng được nhưng xuất sắc nghĩa là yêu lao động, là quyết tâm làm việc với toàn bộ khả năng của mình.

Những người thành công có lợi về mọi mặt. Họ nhận được phần thưởng cả trên phương diện vật chất lẫn tinh thần. Họ có mức sống cao hơn và độc lập hơn. Họ có vẻ hạnh phúc, hài lòng và lạc quan khi làm bất cứ việc gì. Họ dường như không hay ốm đau, bị khủng hoảng hay thất nghiệp. Mỗi khi làm việc tốt, lòng tin và lòng tự trọng của họ lại tăng thêm rất nhiều. Họ dễ dàng tiếp thêm nghị lực và tiến tới những thử thách mới. Họ sẵn sàng nghe lời khuyên và cả sự phê bình của người khác, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và hợp tác làm việc rất xuất sắc. Những người đó không nổi bật trên một lĩnh vực cụ thể nào cũng như họ chỉ khá hơn một chút trên một vài lĩnh vực chủ chốt. Đây là chìa khoá cho sự xuất sắc và khám phá ra cách khai thác tối đa khả năng của mình.

Các công ty cũng như mỗi cá nhân, họ khai thác, phát triển một hay nhiều lĩnh vực sở trường, các lợi thế cạnh tranh để vượt lên trên các đối thủ. Họ dẫn đầu trong các hoạt động nhất định để đáp ứng nhu cầu của thị trường và thị trường cũng có những phản ứng tương ứng.

Trở lại vấn đề ngành công nghiệp ô tô làm ví dụ. Người Nhật đã thề là vào cuối thập kỷ 70, họ sẽ dẫn đầu ngành công nghiệp ôtô và điều đó đã trở thành hiện thực. Để đạt được mục tiêu này, họ đã phải thâm nhập thị trường Bắc Mỹ màu mỡ, vượt qua tiếng tăm về sự khác biệt chất lượng, đặc biệt là đối với hàng tiêu dùng không đắt tiền, đối đầu với hãng sản xuất “Big Three” vững mạnh đã thiết lập được kênh bán hàng và dịch vụ đầu ra rất tốt. Chiến lược của Nhật bản là bán ôtô với chất lượng vượt bậc về kiểu dáng và hiệu suất máy với giá cạnh tranh. Bằng cách này, người sử dụng bị cám dỗ về giá trị và chất lượng hơn là dịch vụ và bảo hành. Thành công của người Nhật đã chứng tỏ là dịch vụ thực sự không phải là sửa nhanh và sửa tốt các hỏng hóc mà là chất lượng sản phẩm cao từ ban đầu.

Công ty khách sạn Bốn mùa là một điển hình cho một tổ chức đã có cách làm khác với xu hướng chung ở Bắc mỹ hồi bấy giờ, một công ty mà chất lượng dịch vụ là điều đáng nói của một thời.

Để thành công trên thị trường quốc tế, công ty hình thành và theo đuổi mục tiêu nhất quán của mình: Luôn luôn là khách sạn tốt nhất trên mọi thị trường mình có mặt.

Isadore Sharp, chủ tịch CEO, rất tự hào kể câu chuyện về một người khách đã để quên một chiếc cặp ở khách sạn của công ty tại Toronto. Ông ta đã gọi điện từ Washington về trình bày là tài liệu trong cặp rất quan trọng và ông ta cần nó cho cuộc họp sắp tới. Khi ban quản lý khách sạn đi tìm nhân viên giữ cửa để tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra thì họ phát hiện ra là anh ta đang trên đường đi Washington, tự mình mang chiếc cặp đó đến cho người khách bằng thời gian và tiền của riêng mình. Nhân viên gác cửa này thấy mình phải chịu trách nhiệm cá nhân vì anh ta đã quên không đặt chiếc cặp vào cốp xe cùng với các hành lý khác của người khách.

Tuần báo Doanh nghiệp (Business) đã lên án công ty Bốn mùa là quá chú trọng đến phục vụ khách hàng. Ông chủ tịch công ty trong một bài phát biểu tại Los Angeles ngày 3 tháng 6 năm 1987, giải thích rằng: “Chúng ta có thể mất 5 năm để xây dựng một khách sạn thật đẹp, chi phí vào đó hàng triệu đôla. Ngay năm sau đó, đối thủ cạnh tranh lại xây một khách sạn khác ngay trên phố và đầu tư vào đó nhiều tiền hơn, có thể khách sạn còn hiện đại hơn một chút. Nhưng, may thay tiền không làm dịch vụ tốt lên được, chúng tôi kinh doanh bằng dịch vụ. Dịch vụ là yếu tố cốt lõi để vươn lên hàng đầu, chúng tôi tin là nếu trước hết bạn làm việc xuất sắc, lợi nhuận chắc chắn sẽ theo sau”.

Công ty Bốn Mùa tuyển chọn những nhân viên có tinh thần trách nhiệm cá nhân cao, những người tin là cá nhân họ có trách nhiệm xem xem nhu cầu của khách đã được hoàn toàn thoả mãn hay chưa. Kết quả là nó trở thành một cơ quan luôn chú ý làm hài lòng khách, không phải bằng áp lực từ trên cao xuống mà là áp lực chính từ bản thân các nhân viên, từ lòng tự hào của họ. Nhân viên thực sự muốn làm việc xuất sắc trong việc phục vụ khách và không ai muốn làm cho các đồng nghiệp của mình kém đi. Tất cả đều muốn được hãnh diện vì tổ chức của mình.

Điều này sẽ khiến bạn đặt ra một số câu hỏi cho bản thân mình: Mình đã phát huy sở trưòng nào? Đâu là ưu thế của mình so với các đồng trang lứa? Mình cần làm gì để khai thác được sở trường?

Không dễ gì giải đáp được những câu hỏi này. Chúng ta đều muốn nổi trội hơn người khác trên một lĩnh vực nào đó. Tất cả đều muốn mỗi sáng ngắm mình trong gương và có thể hãnh diện nói rằng “Mình xuất sắc”. Đây chính là chìa khoá cho sự yêu quý bản thân và lòng tự trọng cao. Lòng tự trọng thực sự là ở chỗ biết mình có khả năng trong công việc. Những người nghĩ rằng họ không làm được việc gì ra hồn cả sẽ luôn thấy mình kém cỏi và bất an giữa những người suy nghĩ nhiều về bản thân hơn. Nếu bạn tin là mình không giỏi trên lĩnh vực nào đó, bạn sẽ không thể thích, tôn trọng hay coi bản thân mình là có giá trị. Bạn sẽ luôn chấp nhận các giới hạn, đặt những mục tiêu thấp và cố gắng đạt được mà ít phải xấu hổ nhất.

“Chất lượng cuộc sống con người tỷ lệ thuận với lòng quyết tâm trở nên xuất sắc, dù cho đó là lĩnh vực nào”. – Đó chính là niềm tin của Vince Lombardi.

Bạn có trách nhiệm khám phá và phát triển tài năng, sở trường của mình. Không có ai ra đời đã có đầy đủ các phẩm chất và tính cách đã phát triển hoàn hảo để thành công. Nếu để mặc cho hoàn cảnh, bạn có thể bạn sẽ phát hiện ra một vài phẩm chất, có thể sớm hay muộn, cũng có thể là không bao giờ. Nhưng nếu bạn chủ động hành động thì điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Bạn đừng bao giờ bỏ mặc việc phát triển tài năng của mình cho hoàn cảnh đưa đẩy.

Bằng nỗ lực lớn, bạn có thể phát triển tất cả các thuộc tính và kỹ năng chúng ta đã thảo luận trong ba chương trước đây để đạt hiệu quả cao hơn trên mọi mặt của đời sống. Không nên chấp nhận quan điểm là sẽ có “một ngày nào đó” các kỹ năng sẽ trở nên tốt hay bạn sẽ nghĩ đến việc phát triển chúng khi “có thời gian”, có công việc “thích hợp” hay cơ hội “thuận lợi”. Bạn phải sống cho hôm nay, cho hiện tại quý giá này, bởi vì đó là nơi duy nhất bạn có thể tìm thấy hạnh phúc. Hãy quyết định rèn luyện các kỹ năng này, coi đó là một phần trong cuộc sống, là một phần cá tính của bạn để chúng hỗ trợ bạn hành động.

« Trang trướcTrang sau »