Cody Trần – Chia sẽ kiến thức phân tích

Tháng Tám 15, 2009

Môi giới : Nghề “giữ” túi tiền thiên hạ

Filed under: Nghề Broker — Cody Trần @ 10:44 Sáng

main_people

Hàng loạt bò sữa bị giết thịt có ảnh hưởng đến Vinamilk? Câu này đem hỏi Tổng giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) thì chẳng có gì lạ. Nhưng lạ là nhiều người đến gặp Trịnh Hoàng Nam hỏi nên “bán” hay “giữ” cổ phiếu Vinamilk.

Theo anh, nên giữ cổ phiếu Vinamilk. Vì bò sữa bị giết thịt không nằm trong đàn bò sữa Vinamilk đang thu mua và đàn bò mà Vinamilk đang thu mua sữa dự kiến sẽ tăng trưởng 10% năm nay.

Tổng hợp thông tin và tư vấn cho nhà đầu tư. Đó là công việc thường ngày của Trịnh Hoàng Nam, Trưởng phòng Môi giới chứng khoán của Công ty Chứng khoán Sài Gòn. “Có thể xem môi giới chứng khoán như nghề giữ tiền cho thiên hạ”, anh mở đầu câu chuyện về mình – một broker – nhà môi giới chứng khoán.

Tâm sự trước, tư vấn sau

Có điều Trịnh Hoàng Nam không cho mình là broker, mà đang làm công việc của một… bác sĩ. Một bác sĩ chuyên lo “sức khoẻ” tài chính cho nhà đầu tư. “Tôi sẽ là một bác sĩ tồi nếu không giúp cho bệnh nhân của mình giàu hơn”, anh hóm hỉnh.

Năm 2000, khi Nam trở thành broker, hai chữ chứng khoán vẫn đầy lạ lẫm. Thị trường mới ra đời, khách hàng đặt lệnh mua hay bán, broker ghi sổ như kế toán. Sau một ngày giao dịch, broker so sánh và tổng hợp số liệu. Làm cơ học nên anh cặm cụi đến 12 giờ khuya là chuyện thường ngày.

Nhưng đó là… chuyện nhỏ, đi tìm khách hàng trong lúc thị trường vắng… như chùa Bà Đanh mới là chuyện lớn. Công ty đề ra kế hoạch hàng ngày mỗi broker phải tìm vài nhà đầu tư đến nghe trình bày về tổng quan thị trường, cách thức giao dịch và đặt lệnh. Bằng cách “tám” với nhà đầu tư, Nam dần dần mời họ đến sàn giao dịch.

Với tôi, những ngày đi tìm khách hàng cho tôi hiểu và gắn bó với nhà đầu tư hơn. Từ đó, tôi tìm ra cách tư vấn riêng: “đọc” tâm sự của họ trước khi tư vấn”, anh nói.

Sức mạnh từ lời tư vấn

Hiện Trịnh Hoàng Nam đang quản lý 1.000 khách hàng, cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân. Trong đó, hơn 600 nhà đầu tư là tự tìm đến anh. Ngày làm việc của anh bắt đầu lúc 8 giờ – cùng lúc với phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên trong ngày.

Một ngày làm việc của anh ra sao?

Tôi nối kết và giúp thực hiện yêu cầu của người mua kẻ bán. Ở cấp độ cao hơn, bằng kinh nghiệm và khả năng đánh giá thị trường, tôi cung cấp thông tin liên quan, tư vấn, nhận định và dự báo xu hướng thị trường sắp tới cho nhà đầu tư. Một ngày của tôi thường kết thúc vào lúc 20 giờ.

Bên cạnh một broker luôn luôn là…

Chiếc điện thoại và danh sách khách hàng. Để báo thông tin kịp thời cho nhà đầu tư. Với một nhà đầu tư, thông tin kịp thời là một liều thuốc quý giá. Nhiều lúc tôi gọi điện 2 giờ đồng hồ liên tục để trao đổi thông tin nóng với khách hàng.

Theo anh, những yếu tố nào làm nên một broker chuyên nghiệp?

Với một broker, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu, sau đó là kỹ năng phân tích nắm bắt tình hình, kiến thức tài chính, và… (cười) kỹ năng giao tiếp tốt.

Tại sao đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu?

Giữa một broker và nhà đầu tư, lòng tin thường là nền tảng cho những lời tư vấn. Ở đây lòng tin suy ra là tiền đấy. Broker như người giữ hầu bao của khách. Luật chứng khoán cho phép broker tự doanh, nghĩa là broker có thể kinh doanh chứng khoán như nhà đầu tư. Ví dụ, nếu không trung thực, broker có thể lợi dụng kiếm lợi cho mình trước khi cho khách hàng. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, trong giao dịch, khách hàng phải trên hết, sau mới đến mình.

Đồng nghiệp nhìn anh là một broker…

Mọi người nghĩ tôi là một broker chuyên nghiệp.

Tự đánh giá, anh đang ở đâu trong bậc thang nghề nghiệp?

Tôi biết làm tăng sức mạnh cho nhà đầu tư bằng lời tư vấn. Tôi tự hào vì mình có khách hàng cả ba miền Nam, Trung, Bắc. Chỉ gặp qua điện thoại, nhưng tôi cảm ơn họ đã tin tưởng tôi trong giao dịch. Những năm làm việc cũng cho tôi cảm nhận được dòng chảy thị trường, giúp khách hàng kiếm cả triệu USD.

Anh đã đạt được điều gì trong nghề nghiệp của mình?

Một trong những điều khiến tôi yêu nghề nghe có vẻ trẻ con. Đó là được tiếp xúc với những vị tổng giám đốc đầy kinh nghiệm. Vui hơn, vì họ đến nhờ tôi tư vấn. Khi đó, tôi nghĩ mình là một broker thực thụ.

Anh nghĩ gì về tương lai nghề broker ở Việt Nam?

Thị trường chứng khoán Việt Nam như một mảnh đất rộng lớn, màu mỡ, những gì hiện nay chỉ là lớp màng mỏng phủ trên. Thị trường đang đi những bước đầu để chuẩn bị chạy đà. Nghề broker cũng thế – chúng tôi đang chạy đà, một đường băng dài đang chờ phía trước.

Nhà môi giới chứng khoán (broker) là người đại diện, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thông qua việc tư vấn, thực hiện hợp đồng mua bán. Để trở thành một broker, phải trải qua 4 khoá học của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước: kiến thức cơ bản, luật chứng khoán, phân tích chứng khoán, kỹ năng giao dịch trên sàn. Broker phải có giấy phép hành nghề do Ủy ban Chứng khoán cấp

Môi giới chứng khoán: Nghề không trải hoa hồng

Filed under: Nghề Broker,THỦ THUẬT trong FOREX — Cody Trần @ 10:39 Sáng

LA61532_ảnh_minh_họa_2

Hiện nay broker – nhà môi giới chứng khoán, được xem là nghề thời thượng với thu nhập hấp dẫn và cơ hội mở rộng nhiều mối quan hệ. Nhưng broker chưa hẳn là nghề trải hoa hồng như nhiều người nghĩ nếu bạn chưa chuẩn bị đủ “nội lực”.

Là “đại sứ thiện chí”

Công việc chính của nhà môi giới là tiếp khách và tư vấn. Vì thế những broker chuyên nghiệp phải có mối quan hệ rộng trên mọi lĩnh vực. Nguồn khách hàng của họ đến từ những đầu mối trung tâm giao dịch chứng khoán (CK) hay do chính nhà đầu tư tự tìm đến broker thông qua một số trang web CK như: BVSC, SSI, Vietstock… Trên đó ghi rõ địa chỉ, e-mail của từng nhà môi giới. Vì thế, hình ảnh thân thuộc của những vị “đại sứ thiện chí” này là luôn miệng tư vấn cho khách hàng với thời lượng giao dịch 24/24 bằng ít nhất 3 điện thoại di động. Làm việc ở Công ty chứng khoán VCBS hơn một năm, Gia Bảo bộc bạch: “Nhà đầu tư thường bận rộn việc kinh doanh nên không có thời gian lên sàn nắm bắt giá cả, vì thế mình phải biết chăm sóc khách hàng, thường xuyên liên lạc thông báo tin nóng để giúp họ kịp đưa ra quyết định mua hay bán. Nghề này thu nhập cao nhưng tất bật, nửa đêm chợp mắt có điện thoại cũng phải nghe vì ai mà chẳng phập phồng lo lắng do cổ phiếu cứ lên xuống thất thường”.

Hiện nay, ở các công ty lớn, do chưa đủ nguồn nhân lực nên thường một nhân viên phải tư vấn cho cả chục nhà đầu tư. Thu nhập từ nghề này cũng “muôn hình vạn trạng”, vì ngoài lương cơ bản, tiền thưởng của công ty, các broker giỏi còn được “boa” từ những phi vụ môi giới giúp nhà đầu tư trúng quả đậm hay hưởng tiền chênh lệch doanh số.

Kiến thức 9, đạo đức 10

Đối với bạn trẻ mới vào nghề broker, việc trau dồi kiến thức là cực kỳ quan trọng. Từng giữ chức trợ lý giám đốc một công ty tổ chức sự kiện với mức lương lên đến con số ngàn đô, nhưng Trần Hoàng Vương vẫn quyết định về đầu quân cho Công ty chứng khoán Sài Gòn đang cần người có kinh nghiệm phân tích tài chính. Vừa làm vừa chịu khó học hỏi kinh nghiệm, lấy chứng chỉ đào tạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vương cho biết: “Nếu không có kiến thức sâu rộng, chẳng hạn như dự đoán A tăng nhưng cổ phiếu lại rớt giá thê thảm, khiến nhà đầu tư khốn đốn thì mấy ai còn tin tưởng vào khả năng “quân sư quạt mo” của mình nữa? “Mất tiền bạc là mất một nửa, mất uy tín là mất tất cả”, khi đó, bạn sẽ không còn cơ hội cho những phi vụ kế tiếp”.

Do đó, bên cạnh hình ảnh broker thân thiện, lịch thiệp, nghề này còn đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp nhất định. Đành rằng công việc hái tiền tỉ nhưng nếu bạn mải chạy theo lợi nhuận cá nhân để tư vấn theo kiểu “công cụ bán hàng” cho đơn vị nào đó mà không thấu hiểu cặn kẽ mọi thông tin khách hàng thì sẽ gây ra những tổn thất đáng tiếc khiến nhà đầu tư phải tìm đến một tổ chức môi giới khác. Bí quyết của anh Doãn Hà, một broker chuyên nghiệp của Công ty chứng khoán Ngân hàng Phương Đông là: “Tìm hiểu thật cặn kẽ khả năng tài chính của khách hàng. Bởi không phải ai mua cũng thắng. Bản thân chứng khoán là một thị trường của lòng tin và nhiều nhà đầu tư thường mua “cái kỳ vọng” hơn cái “giá trị thực chất” do cổ phiếu mang lại. Vì thế, ngoài khả năng phân tích tài chính, các broker cần tôn trọng sự trung thực, tính minh bạch khi cung cấp thông tin cho khách hàng”.

Các Dung

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán ACB (ACBS):

Nghề broker đòi hỏi tính trung thực cao”

* Theo anh, làm broker phải có những tiêu chí gì đặc biệt?

– Ngoài việc phải có kiến thức về tài chính thì quan trọng nhất của broker là đạo đức nghề nghiệp, mà ở đây chính là sự trung thực. Nếu công ty cấm broker chơi chứng khoán, thì anh phải không chơi dưới bất kỳ hình thức nào. Điều này để đảm bảo broker tư vấn cho nhà đầu tư một cách chính xác, chứ không bị thiên lệch vì những cổ phiếu mà broker đó nắm giữ.
Muốn làm broker giỏi còn phải biết lắng nghe khách hàng. Có nhiều nhà đầu tư, nghe lời broker mua bán chứng khoán, thắng thì không sao, chứ thua lại lên công ty kêu broker ra ầm ĩ. Nếu không biết kiềm chế thì dễ xảy ra những chuyện không hay. Ngoài ra, broker nhiều lúc phải biết an ủi khách hàng khi khách hàng đầu tư thất bại. Những người hoạt bát, hướng ngoại cũng thích hợp làm broker, vì đây là nghề thường xuyên tiếp xúc với khách hàng mà.

* Vậy anh thấy các broker ở VN như thế nào?

– Thật tình, tôi thấy phần lớn broker ở VN vẫn thuộc dạng “broker thụ động”. Nghĩa là chỉ đơn thuần làm vai trò của người nhận và nhập lệnh. Trong khi ở nước ngoài, broker phải là người tư vấn, trả lời được các câu hỏi của nhà đầu tư về chứng khoán, còn nhập lệnh thì đã có người khác làm.

* Thế các nhà đầu tư thường hỏi broker những gì?

– Tôi thấy các nhà đầu tư thường hỏi broker: “Theo anh, tôi nên mua cổ phiếu nào?”, “Tại sao anh khuyên tôi nên mua cổ phiếu đó?” và “Thời điểm này đã mua được chưa?”. Thường câu hỏi “thời điểm…” là câu hỏi chốt để xác định broker đó giỏi hay dở, có nhìn nhận được thị trường hay không.

* Anh thấy nghề này có gì thú vị?

– Thú vị nhiều lắm chứ. Trong chứng khoán, không ai dám nói mình luôn dự đoán chính xác 100% diễn biến của thị trường. Broker phải luôn nghiên cứu, phân tích tìm tòi để có được lời khuyên chính xác nhất cho khách hàng. Tính tôi thì thích sự thử thách, nên tôi thấy mình học được rất nhiều từ công việc này. Tuy nhiên, làm broker cũng có nhiều khó khăn vì áp lực công việc cao. Đây lại là một nghề chưa được đào tạo chính quy ở VN, nên phần lớn phải tự học hỏi theo kiểu “người đi trước chỉ cho người đi sau” là chính.